Nghệ An là một vùng địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người cũng rất đỗi hào hoa và anh hùng. Để lưu trữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống, Nghệ An đã có nhiều lễ hội, mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc riêng. Việc tổ chức, gìn giữ các lễ hội chính là lưu giữ truyền thống, bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa. Với ý nghĩa mở màn cho mùa hoạt động lễ hội hàng năm ở Nghệ An, Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào những ngày đầu xuân-dịp rằm tháng Giêng đã thể hiện đậm nét sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đây là lễ hội có sức hút đông đảo du khách gần xa.
Nghệ An là một vùng địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người cũng rất đỗi hào hoa và anh hùng. Để lưu trữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống, Nghệ An đã có nhiều lễ hội, mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc riêng. Việc tổ chức, gìn giữ các lễ hội chính là lưu giữ truyền thống, bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa. Với ý nghĩa mở màn cho mùa hoạt động lễ hội hàng năm ở Nghệ An, Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào những ngày đầu xuân-dịp rằm tháng Giêng đã thể hiện đậm nét sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đây là lễ hội có sức hút đông đảo du khách gần xa.
1. Giới thiệu về Lễ hội Đền Vua Mai
Nam Đàn là cái nôi văn hóa truyền thống lâu đời với rất nhiều di tích danh thắng, theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 42 di tích được xếp hạng, trong đó có 12 di tích Quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh, với 04 di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Thị trấn Nam Đàn, Kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn tại xã Khánh Sơn, Đền Vua Mai tại Thị trấn Nam Đàn (gồm Đền thờ và Lăng mộ Vua Mai).
Lễ hội Đền Vua Mai mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào; sự quật cường của dân tộc, cho đến Lễ hội nay vẫn bảo toàn được các nghi thức truyền thống. Lễ hội góp phần chuyển tải giá trị lịch sử đến với tất cả những du khách tham gia lễ hội.
Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Mai Hắng Đế; để tỏ lòng thành kính của mình đối với vị Anh hùng dân tộc cũng như các tướng lĩnh của Mai Hắc Đế, hàng năm vào Rằm tháng Giêng âm lịch, huyện Nam Đàn tổ chức hội đền Vua Mai. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội kéo dài trong 3 ngày đêm liên tục với nhiều hình thức sinh hoạt vừa mang tính tôn nghiêm, trang trọng của phần lễ như lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế. Đồng thời vừa có tính chất sôi nổi, vui nhộn của phần hội.
Đến với Lễ hội Đền Vua Mai, du khách được đắm mình vào không khí truyền thống văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật, đánh cờ, chọi gà, đu tiên, đu quay, đẩy gậy, thi làm cỗ xôi gà, thi đấu bóng chuyền, cắm trại, ca múa hát, du thuyền, biểu diễn nghệ thuật hát dân ca.
Ngoài ra, hàng năm tại Đền thờ và các di tích Vua Mai Hắc Đế có nhiều kỳ lễ trọng: Lễ giỗ Vua Mai 16 tháng 9 (âm lịch).
- Lễ giỗ Mai mậu mùng 4 tháng 7 (âm lịch).
- Giỗ Mai Hoàng Hậu 15 tháng 7 (âm lịch).
2. Lễ hội Đền Vua Mai và những câu chuyện lịch sử
Theo sử xưa kể lại, vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, vốn gốc là người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh), sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, Nam Đàn). Ông sớm mồ côi cha mẹ nên phải đi ở từ thuở nhỏ, nhưng nhờ có sức vóc khỏe mạnh, thông minh, tài trí hơn người, lại đặc biệt giỏi võ nghệ nên ông sớm nổi tiếng trong vùng.
Khi Mai Thúc Loan lớn lên, cũng là lúc nhà Đường thống trị nước ta và chúng đã đặt ra lệ cống nạp sản vật nặng nề. Đã có không biết bao nhiêu người phải bỏ mạng trên đường đi gánh, thồ sản vật cống nạp vì đói khát, đòn roi của bọn quan hộ tống. Lòng căm thù bọn giặc Đường xâm lược ngày dâng cao trong nhân dân. Mai Thúc Loan là người thấu hiểu được nỗi cơ cực, uất ức của người dân mất nước, nên đã đứng lên, lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa ở xã Nam Thái rồi bùng nổ, lan rộng rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Năm 713, Mai Thúc Loan được nhân dân suy tôn lên làm Vua, Triều đình Vạn An ra đời. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế tức ông Vua Đen họ Mai. Nhưng nhà Đường quyết chiếm lại bằng được nước ta. Sau nhiều trận giao chiến khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan rã. Mai Hắc Đế, rút quân và băng hà tại căn cứ Hùng Sơn. Quốc gia Vạn An rơi vào tay nhà Đường. Để tưởng nhớ đến công ơn Mai Hắc Đế, nhân dân lập đền thờ ông trên núi Vệ và trong thung lũng Hùng Sơn-nay thuộc Thị trấn Nam Đàn.
Tuy nhiên, 10 năm độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cũng được đánh giá là một trong cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất so với các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc.
3. Lịch sử Lễ hội Đền Vua Mai
Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được tổ chức hàng năm nhằm ôn lại khí thế hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu, đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập vào đầu thế kỷ thứ VIII. Để tưởng nhớ công đức Vua Mai và các tướng lĩnh của Ngài, nhân dân Nam Đàn đã lập đền thờ, chăm sóc phần mộ của Thân mẫu Vua Mai cùng các tướng lĩnh tại các di tích thuộc xã Nam Thái, Vân Diên và thị trấn Nam Đàn. Hằng năm, bắt đầu từ ngày 13 - 15 tháng Giêng, lễ hội Đền vua Mai lại được long trọng tổ chức, thu hút hàng vạn người về trẩy hội.
Lễ hội đền Vua Mai xưa không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổng Nam Liễu (còn gọi là Xuân Liễu) và các làng phụ cận Diên Lãm, Khả Lãm... mà còn mở rộng ra toàn phủ Anh Sơn, bao gồm (Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên ngày nay). Đền thờ Vua Mai vốn là Quốc tế nên ngoài các quan sở tại như tri huyện, đề lại còn có các quan chức sắc cấp tỉnh về dự lễ hội. Thời gian lễ hội diễn ra từ ngày 13-17 tháng Giêng, nhưng chính lễ trong 3 ngày 13, 14, 15, bởi sau các cuộc tế lễ, ngày 16, 17 là đến phần hội với nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống được tổ chức. Lễ hội đền Vua Mai là niềm tự hào của dân làng Hương Lãm nói riêng và nhân dân trong vùng Phủ Anh Sơn xưa kia nói chung.
4. Phần Lễ và Hội trong Lễ hội Đền Vua Mai
Lễ hội đền Vua Mai diễn ra theo nghị trình chặt chẽ trong một không gian linh thiêng, là sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và tinh thần thượng võ được lưu truyền từ xưa đến nay. Nếu như phần lễ mang tính chất tín ngưỡng dân gian sâu sắc thì phần hội là các trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật vui nhộn, hấp dẫn, thu hút nhân dân khắp nơi về dự. Các hoạt động vui chơi giải trí, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được tổ chức trong lễ hội đền Vua Mai đều có lịch sử phát sinh, phát triển lâu đời cùng gắn với lễ hội đền Vua Mai nhằm suy tôn Mai Thúc Loan - người anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường lập nên quốc gia Vạn An độc lập cho nhân dân ta thời bấy giờ.
Phần Lễ
Ngày 13 tháng Giêng tiến hành các lễ:
- Lễ rước nước
- Lễ mộc dục
- Lễ tế gia quan
Ngày 14 tháng Giêng: Buổi tối ban tế do Ban phụng sự tiến hành làm lễ yết cáo, xin thần Mai Hắc Đế cho mở hội và mời các chư vị thần linh về dự hội.
Ngày 15 tháng Giêng: Đại tế (lễ tế thần)
Phần Hội
Ngay sau khi rước kiệu Vua Mai vi hành đồng thời hội cũng diễn ra. Khu vực xung quanh đền Vua Mai người đi trẩy hội đông khắp cả một vùng, các phe, giáp, phường hội náo nức đua chen thi tài. Theo truyền thống, ban ngày diễn ra các hoạt động: đua thuyền, đấu vật, cờ thẻ, cờ người, chọi gà... Ban đêm có các phường chèo, phường tuồng, hát ví phường vải, hát giặm, hò...
Hiện nay, ngoài các trò chơi dân gian trên còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác như: cắm trại, thả đèn hoa đăng, múa, hát, bóng chuyền, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Vua Mai, v.v…
Trong phần hội của lễ hội đền Vua Mai, nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa dân gian tiềm ẩn nguồn gốc sâu xa của nó, dần dần trở thành một phong tục đẹp từ ngàn đời nay của nhân dân trong vùng Sa Nam. Trong đó đua thuyền là hoạt động độc đáo nhất và thu hút đông đảo nhân dân trong làng tham gia, các trò chơi khác như đấu vật, hát đối, đánh đu được tổ chức trong nhiều ngày.
Ngày nay, trong lễ hội đền Vua Mai, nhân dân phấn khởi, háo hức chờ đợi các vở diễn về danh nhân Mai Thúc Loan qua nghệ thuật dân gian: ví, giặm, chèo và cải lương...
Với nhân dân Nam Đàn, Nghệ An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, Mai Thúc Loan đã trở thành một biểu tượng sinh động cho tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh ngoan cường chống giặc ngoại xâm để giành và giữ độc lập dân tộc. Lễ hội đền Vua Mai (Mai Thúc Loan) là lễ hội mang dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, thể hiện lòng tự tôn dân tộc; góp phần gắn kết các thành viên cộng đồng, xây dựng tính cách và tâm hồn người dân xứ Nghệ, tâm hồn người Việt Nam “trọng nghĩa trọng tình” và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội đền Vua Mai cũng là dịp để các ngành nghề truyền thống của Nam Đàn có cơ hội quảng bá với du khách gần xa. Qua lễ hội đền Vua Mai, chúng ta được biết đến đời sống tinh thần phong phú của người dân vùng quê Nam Đàn, Nghệ An./.
Thúy Tình - Trung tâm VH-TT&TT thực hiện