image banner
Văn hóa Lịch sử Nam Đàn

1. Các di sản văn hóa phong phú, đa dạng

          Với bề dày lịch sử lâu đời đã để lại cho Nam Đàn hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng. Mỗi di tích, danh thắng đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 173 di tích, danh thắng trong đó có 164 di tích lịch sử văn hóa bao gồm 7 di tích thuộc loại kiến trúc nghệ thuật là đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên, đình Nhân Hậu, đền, chùa Đức Sơn, đền Nhạn Tháp và nhà thờ Lê Đức Tuy; 2 di tích khảo cổ là di chỉ Rú Trăn và động Lỗ ngồi và 164 di tích lịch sử văn hóa khác bao gồm các đình, đền, chùa, lăng, miếu, mộ, nhà thờ... Số di tích đã được xếp hạng là 41 di tích (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Số di tích do tỉnh trực tiếp quản lý là 2 (khu di tích Kim Liên và khu di tích Phan Bội Châu), do huyện quản lý là 01 (quần thể di tích Vua Mai) và các xã, thị trấn quản lý là 170. Hệ thống di tích trên địa bàn huyện vừa phong phú về nội dung vừa đa dạng về loại hình. Các di tích lịch sử - văn hoá ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo kỳ vĩ. Đặc biệt có một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa và du lịch như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu di tích Vua Mai, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần... Ngoài hệ thống di tích đã được xếp hạng, trên địa bàn huyện còn có hệ thống các chùa lớn vừa được bảo tồn, tôn tạo như chùa Đại Tuệ (Nam Anh), chùa Viên Quang (Nam Thanh), chùa Hà (Hùng Tiến), chùa Vĩnh Phúc (Nam Xuân)... Đặc biệt là đền Chung Sơn (Kim Liên) được khánh thành năm 2020,nơi thờ tự những người thân trong gia đình Bác Hồ.

Về danh lam thắng cảnh, Nam Đàn được biết đến với những địa danh như: Hồ Tràng Đen, núi Thiên Nhẫn, Thành Lục Niên, thác và đập Hồ Thành, đập Đá Hàn, đập Ba Khe...

Ngoài ra Nam Đàn có cổ vật, bảo vật có giá trị được công nhận là bảo vật Quốc gia đó là hộp Xá Lị được khai quật tại Tháp Nhạn xã Hồng Long.

Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể huyện Nam Đàn cũng là nơi sản sinh và lưu giữ hệ thống văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Nam Đàn là một trong những nơi khởi nguồn của các làn điệu dân ca Ví, Giặm - di sản văn hóa được UNECO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn huyện hàng năm diễn ra nhiều Lễ hội, trong đó có 02 Lễ hội lớn: Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen.

Ẩm thực Nam Đàn từ xa xưa đã vang danh khắp mọi miền tổ quốc, với những món ăn dân dã, đời thường nhưng để lại trong lòng du khách ấn tượng khó quên như: Tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, miến Quy Chính, bột sắn dây, tinh bột nghệ Nam Anh, cá rô Bàu Nón... Trong thời kỳ đất nước đổi mới, người dân Nam Đàn đã tự tạo cho mình những món ăn trở thành đặc sản mà khó có nơi nào sánh kịp, trở thành những thương hiệu nổi tiếng như: Me thui Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, hến, cá mòi sông Lam, gà Nam Thái, nghé thui Cầu Mưng, các sản phẩm được chế biến từ Sen tại Kim Liên, các sản phẩm chế biến từ Chanh tại Nam Kim và nhiều sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao...

Nam Đàn cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những nghề nổi tiếng như: Nuôi tằm dệt vải, nghề bún, bánh, nghề mộc...

2. Truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt thành danh

Là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, Nam Đàn được biết đến là vùng đất văn vật, người Nam Đàn thông minh, có truyền thống hiếu học, truyền thống nhân văn từ ngàn xưa để lại. Thời nào Nam Đàn cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, danh nhân văn hóa. Trong “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Nam Đàn có núi cao, sông sâu nên xuất hiện nhiều người văn, võ kiêm toàn.

Nam Đàn là một trong những cái rốn của nghìn năm khoa cử nơi xứ Nghệ, từ 1075 đến 1919 đã góp cho đất nước 36 vị Đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục như: Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Giao đời Nguyễn, tiễn sỹ Nguyễn Thiện Chương thời Lê... và sau này có Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu. Đặc biệt mảnh đất và con người Nam Đàn đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tên tuổi này đã đúc kết được những phẩm chất cơ bản làm nên cốt cách hiếu học, cần cù của con người Nam Đàn.

3. Yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm

Dưới các triều đại phong kiến, thời nào Nam Đàn cũng có những anh hùng, chí sỹ là biểu tượng sáng ngời của truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu có khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan (713-722), đã góp phần thắp sáng dân tộc ta trong đêm trường ngàn năm Bắc thuộc. Ở Nam Đàn còn xuất hiện những người anh hùng, được nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công ơn như: Đền Độc Lôi (xã Nam Giang) thờ tướng quân họ Phạm - người có công đánh quân xâm lược Chămpa và Bồn Man; đền Thánh Cả (xã Kim Liên) thờ tướng công Nguyễn Đắc Đài; miếu Thống Chinh (ở núi Ngũ Nhạc xã Khánh Sơn) thờ nghĩa quân công Tiến sỹ Tống Tất Thắng; đền Hồ Cương thờ Nguyễn Cảnh Mô... Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đất Nam Đàn tiếp tục sinh thành, nuôi dưỡng những nhà chí sỹ yêu nước, những nhà cách mạng lỗi lạc như: Thám hoa Nguyễn Đức Đạt; Tú tài Vương Thúc Mậu, Vương Thúc Oánh, Vương Thúc Quý; Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Hiệp quản Trần Xuân; nhà cách mạng tiền bối Lê Hồng Sơn; người sáng lập phong trào Đông Du - chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Đầu thế kỷ XX nhân dân Nam Đàn cùng với nhân dân huyện Hưng Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh - cuộc diễn tập đầu tiên dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại, con em Nam Đàn xung phong ra trận tuyến, hàng ngàn người ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu, ruột thịt của mình tại nơi chiến trường, có 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng, 9 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Nam Đàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

4. Sống cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy

Sinh ra trên vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa nên người Nam Đàn bản tính cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy. Với địa hình phức tạp, có dãy núi Đại Huệ và Thiên Nhẫn bao quanh từ phía Bắc vòng qua phía Tây xuống phía Nam, có sông Lam chảy qua, đất đai ít bằng phẳng, ruộng vùng cao thường khô hạn, bạc màu, vùng sâu thì chua mặn, mùa nắng thường hạn hán, mùa mưa thường ngập lụt, nên người Nam Đàn thường phải sống cần kiệm mới có cái ăn, cái mặc. Người Nam Đàn thường dạy con cháu yêu lao động, không được “siêng ăn, nhác làm”, phải tiết kiệm không hoang phí “được mùa chớ phụ ngô khoai”, phải biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Cần kiệm đã trở thành tập quán, thói quen, đã ăn sâu vào tâm thức, tính cách của người Nam Đàn. Cũng do yếu tố địa văn hóa đặc trưng nên người Nam Đàn cương trực, thắng thắn nhưng cởi mở biểu lộ tình cảm chân tình, không khách sáo; thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa trong kết giao. Tuy nhiên thẳng, thật, thô mộc nhiều khi đến vụng về, dễ mất lòng người khác nhưng bù lại là bản tính chân tình, có trước, có sau, có nghĩa có tình của người Nam Đàn lại quy tụ được lòng người. Điều này được thể hiện rất rõ trong thực tế cũng như trong kho tàng văn hóa, văn nghệ của người Nam Đàn.

5. Có ý thức cộng đồng, vì cộng đồng, gắn bó và kết nối cộng đồng bền vững

Cố kết cộng đồng làng xã là đặc trưng của nông thôn Việt Nam nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng. Những dấu ấn của văn hóa làng xã, văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng qua hàng nghìn năm, được nuôi dưỡng bởi nhiều giá trị văn hóa tạo ra sự gắn bó họ hàng, làng mạc, quê hương. Riêng người Nam Đàn, ý thức cộng đồng, vì cộng đồng, găn bó và kết nối cộng đồng đã ăn sâu vào tiềm thức và thể hiện rõ nét. Nó đã tạo nên giá trị nhân văn đáng quý của người Nam Đàn, đặc biệt giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Có thể nói hầu như ở bất cứ nơi đâu, trong tỉnh hay ngoài tỉnh, thậm chí ở nước ngoài nơi nào có người Nam Đàn, nơi đó có “Hội đồng hương”. Bên cạnh những hoạt động tương thân tương ái giúp nhau cùng phát triển giữa các thành viên, thì “Hội đồng hương Nam Đàn ở trong và ngoài tỉnh đã có những đóng góp cho sự phát triển của quê hương Nam Đàn tiêu biểu như “Hội đồng hương Nam Đàn” ở Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh...

6. Văn hóa giao tiếp ứng xử thân thiện, hiếu khách

Nam Đàn là nơi giao thoa các huyện như Thanh Chương, Đô Lương…với Hưng Nguyên và Thành phố Vinh, là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên hàng năm đón hàng triệu lượt khách trong nước và nước ngoài đến thăm. Do đó Văn hoá ứng xử, giao tiếp thân thiện, cởi mở, nghĩa tình, hiếu khách là truyền thống tốt đẹp của người dân Nam Đàn đã được hình thành trong quá trình giao tiếp từ xưa đến nay. Cái đẹp trong văn hoá ứng xử được người dân Nam Đàn lưu giữ, truyền lại từ đời này sang đời khác, nhất là ứng xử giao tiếp cởi mở, thân thiện với du khách khi đến với Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


BẢN ĐỒ HUYỆN NAM ĐÀN
image
 
Lịch làm việc
Thông báo
TRANG TRUYỀN HÌNH
  • PHÓNG SỰ : NAM ĐÀN XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1