Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, nhiệm
vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp
hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình có
mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình, mục tiêu, chủ trương chính
sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội,
an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của
hơn 70% dân số toàn quốc và được triển khai thực hiện trong thời gian dài. Xây
dựng nông thôn mới đặt ra là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát
triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ những chủ
thể xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông
thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng
phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong
thí điểm mô hình. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ
trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được
tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại
chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động
trong phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết,
dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi, phù
hợp với quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”. Các nội dung trong nâng cao
vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới được hiểu:
Dân biết: là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết
của người nông dân về những kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình quy
hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng
nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai
đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ
về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công
trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng
người dân được hưởng lợi.
Dân bàn: bao gồm sự tham gia ý kiến của
người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải
pháp, mọi hoạt động của nông dân trên 2 địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản
xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế,
phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp
và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,…
trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi.
Dân đóng góp: là một yếu tố không chỉ ở
phạm trù vật chất, tiền bạc mà còn ở cả phạm trù nhận thức về quyền sở hữu và
trách nhiệm, tăng tính tự giác của từng người dân trong cộng đồng. Hình thức
đóng góp có thể bằng tiền, sức lao động, vật tư tại chỗ hoặc đóng góp bằng trí
tuệ.
Dân làm: chính là sự tham gia lao động
trực tiếp từ người dân vào các hoạt động phát triển nông thôn như: đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng, các hoạt động của các nhóm khuyến nông, khuyến lâm, nhóm tín dụng
tiết kiệm và những công việc liên quan đến tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng
công trình. Người dân trực tiếp tham gia vào quá trình cụ thể trong việc lập kế
hoạch có sự tham gia cho từng hoạt động thi công, quản lý và duy tu bảo dưỡng,
từ những việc tham gia đó đã tạo cơ hội cho người dân có việc làm, tăng thu nhập
cho người dân.
Dân kiểm tra: có nghĩa là thông qua
các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực
hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu
quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm
tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất
lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước
và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có
thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh
kỹ thuật cũng như tài chính.
Dân quản lý: đó là các thành quả của
các hoạt động mà người dân đã tham gia. Các công trình sau khi xây dựng xong cần
được quản lý trực tiếp của một tổ chức do nông dân hưởng lợi lập ra để tránh
tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu công trình. Việc tổ chức của người dân
tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm nâng cao tuổi thọ và phát huy tối đa
hiệu quả trong việc sử dụng công trình.
Dân hưởng lợi: chính là lợi ích mà các
hoạt động mang lại, tuy nhiên cần chia ra các nhóm hưởng lợi ích trực tiếp và
nhóm hưởng lợi gián tiếp. Nhóm hưởng lợi trực tiếp là nhóm thụ hưởng các lợi
ích từ các hoạt động như thu nhập tăng thêm của năng suất cây trồng do thực hiện
thâm canh, tăng vụ, áp dụng các giống mới, các kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ dịch
bệnh và các hoạt động tài chính, tín dụng... Nhóm hưởng lợi gián tiếp là nhóm
thụ hưởng thành quả của các hoạt động đó, để hưởng lợi từ mức độ cải thiện môi
trường sinh thái, học hỏi nhóm hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình nhân rộng, mức
độ tham gia vào thị trường để tăng thu nhập.
Kết quả bước đầu thực hiện Chương
trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến về nhận thức
đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin,
tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc
thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn của
huyện nhà đã có sự thay đổi đáng kể và đang từng ngày càng khởi sắc, góp phần
quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, cải thiện
đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn; đường làng, ngõ
xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống mới, tinh thần mới đã hiện hữu rõ trên
quê hương Nam Đàn - Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh Kính yêu.
Để phát huy sức mạnh, khối đại đoàn kết
toàn dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; ủy ban Mặt trận
Tổ quốc huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu
quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
với các hoạt động cụ thể là tuyên
truyền, vận động thực hiện Đề án xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông
thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025 theo hướng phát triển văn hóa gắn với du
lịch. Kết quả cụ thể: Vận động nhân dân đóng góp trên 112,55 tỷ đồng; hiến
75.798m2 đất; tháo dỡ 23.082m tường rào; đóng góp 130.588 ngày công; Bê tông
hoá, cứng hoá thêm 220,9km đường trục xã, liên xã, mở rộng trên 16,132 km lề
đường; 26 km mương thoát nước; vận động nhân dân nâng cấp và làm mới trên
149,1km đường điện chiếu sáng trong khu dân cư;
vận động trồng thêm 66 km đường hoa và
55 cụm cổ động, làm mới 10.714 cột cờ, đế cờ Tổ quốc dọc trục đường giao
thông và tại các hộ gia đình trong khu dân cư… để xây dựng nông thôn mới nâng
cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Chủ trì triển khai thực hiện tốt
việc lấy ý kiến hài lòng của người dân về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vận động
ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” được 12,465 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 232 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với số
tiền 9,855 tỷ đồng; giúp đỡ 2.185 lượt gia đình phát triển sản xuất, khám, chữa
bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường với số tiền 1 ,993 tỷ đồng. Vận
động tết vì người nghèo từ năm 2021-
2024 đạt trên 11,651 tỷ đồng đảm bảo cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có
hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện hàng năm đều có quà, đón tết vui tươi đầm
ấm....
Với phương châm xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết
thúc”, trong thời gian tới, huyện Nam Đàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây
dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề
ra. Trong đó, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nội dung của
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm
bảo đi vào thực chất và bền vững, có chiều sâu; phát huy những thế mạnh, tiềm
năng, lợi thế của địa phương; Thúc đẩy phát triển sản xuất, các mô hình phát
triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn và bảo vệ môi
trường nông thôn; Phát huy và bảo tồn giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên
địa bàn gắn với phát triển du lịch; xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, du
lịch xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng nông thôn…. tạo điểm nhấn; hoàn thiện
nhóm các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế; hoàn thiện nhóm các tiêu chí hạ tầng
kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị luôn
quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của huyện để cụ thể hóa vào các nội dung,
chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao,
NTM Kiểu mẫu trong quá trình triển khai thực hiện góp phần đưa huyện nhà về
đích Huyện NTM Nâng cao, NTM kiểu mẫu theo Kế hoạch đã đề ra./.
PHÒNG
VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN